-
Được đăng: 13 Tháng 9 2021
-
Lượt xem: 3372
1. Vị trí địa lý
Thành phố Hòa Bình là trung tâm hành chính, chính trị của tỉnh Hòa Bình. Thực hiện Nghị quyết số 830/NQ-UBTVQH14 ngày 17/12/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của huyện Kỳ Sơn vào thành phố Hòa Bình, sau khi nhập, thành phố Hòa Bình cóSau những thay đổi, sáp nhập về địa giới hành chính. Hiện nay, thành phố Hoà Bình có tổng diện tích tự nhiên 348,65 km2, với dân số 138.609 người, gồm 19 đơn vị hành chính (10 phường, 09 xã), có 07/09 xã đã về đích nông thôn mới. Đảng bộ thành phố có 70 chi, đảng bộ trực thuộc, với trên 11 nghìn đảng viên.
Phía Đông giáp các huyện Kim Bôi và Lương Sơn, phía Đông Bắc giáp huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội, phía Tây giáp huyện Đà Bắc, phía Tây Bắc giáp huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, phía Nam giáp huyện Cao Phong, phía Bắc giáp huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội. Toàn thành phố hiện có 19 đơn vị hành chính cấp xã: 10 phường và 09 xã với 214 xóm, tổ dân phố. Thành phố Hoà Bình có địa hình núi chiếm ưu thế (chiếm 75% diện tích tự nhiên), phân bố bao quanh và ôm trọn khu vực trung tâm. Phần chuyển tiếp là kiểu địa hình đồi, có độ cao trung bình 100 - 150 m. Tiếp đến là phần trung tâm thành phố, có địa hình tương đối bằng phẳng, thuận lợi cho việc xây dựng và phát triển đô thị.
2. Khí hậu
Thành phố Hòa Bình có khí hậu nhiệt đới gió mùa, mùa đông bắt đầu từ tháng 11 năm trước đến tháng 2 năm sau, mùa hè từ tháng 3 đến tháng 10. Mưa tập trung chủ yếu ở các tháng 7, 8, 9, lượng mưa trung bình năm đạt 1.846 mm. Nhiệt độ trung bình là 25oC.
3. Thổ nhưỡng
Lớp vỏ thổ nhưỡng ở thành phố Hòa Bình đa dạng cả về cấu trúc, thành phần và tính chất. Dựa vào điều kiện hình thành, có thể phân biệt được hai nhóm đất: thủy thành (hình thành từ bồi tụ phù sa sông, suối) và địa thành (hình thành từ đá gốc). Hầu hết các loại đất đều phù hợp với việc phát triển các loại cây thực phẩm, cây công nghiệp, cây ăn quả như: mía, dứa, cam,...
4. Sông ngòi
Sông Đà đoạn chảy qua thành phố Hòa Bình là nơi xây dựng Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình, cung cấp một nguồn thủy điện dồi dào với công suất gần 2 triệu kw/h, điều tiết nước cho sản xuất, chống lũ cho đồng bằng sông Hồng vào mùa mưa, đồng thời cũng tạo ra cho thành phố Hòa Bình một cảnh quan đẹp độc đáo. Mực nước ngầm trung bình là 10 m, riêng khu vực dọc hai bờ sông Đà, mực nước xuống đến 40 - 50 m. Sông Đà chia thành phố Hòa Bình thành hai khu vực đó là khu bờ trái sông Đà và khu bờ phải Sông Đà.
Sông Đà đoạn chảy qua thành phố Hòa Bình
5. Văn hóa
Trên địa bàn thành phố Hòa Bình có nhiều di chỉ khảo cổ gắn với nền Văn hóa Hòa Bình rực rỡ cùng những danh thắng và di tích lịch sử nổi tiếng như: tượng đài Bác Hồ, Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình, động Tiên Phi (xã Hoà Bình), nhà tù Hoà Bình (phường Tân Thịnh), lòng hồ thuỷ điện Hoà Bình, rừng lim cổ thụ ở xã Dân Chủ… Bên cạnh đó thành phố Hòa Bình còn là nơi chứa đựng nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc của nhân dân các dân tộc trên địa bàn bàn như: Tết Nhảy của bà con dân tộc Dao thuộc xã Thống Nhất, Tết độc lập, Lễ hội xuống đồng của bà con dân tộc Mường…. Thành phố Hòa Bình còn lưu giữ nhiểu nét văn hóa truyền thống của bà con dân tộc Mường. Trong đó phải kể đến văn hóa chiêng Mường. Chính nét văn hóa đặc trưng này đã góp phần tô thắm thêm những giá trị văn hóa truyền thống của bà con dân tộc Mường, âm vang trầm bổng của tiếng chiêng trở thành âm thanh quen thuộc trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con dân tộc Mường ở thành phố Hòa Bình. Với những nét văn hóa đặc sắc, đã mang đến cho thành phố Hòa Bình tiềm năng lớn về phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch văn hóa. Từ nền tảng lịch sử, văn hóa lâu đời, đến nay truyền thống này đã và đang được Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các tộc thành phố Hòa Bình bảo tồn và phát huy. Nhờ đó, nhiều nét văn hóa độc đáo của bà con các dân tộc, đặc biệt là bà con dân tộc Mường đã trở thành nét văn hóa đặc trưng, mang đậm giá trị văn hóa truyền thống vùng miền và trở thành những sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc. Thành phố Hoà Bình là một trong những địa phương có phong trào văn hoá, văn nghệ quần chúng phát triển mạnh mẽ tại cơ sở. Tranh thủ lợi thế này, thông qua các hoạt động giao lưu văn hoá, văn nghệ. Những lời ca tiếng hát, những bài thơ, ca dân gian truyền thống của bà con dân tộc Mường lại có dịp được thể hiện với lối diễn giản dị, mộc mạc của những hạt nhân văn nghệ tại cơ sở. Qua đó, góp phần bảo tồn và lưu truyền lại cho thế hệ sau. Hiện nay, thành phố Hoà Bình có 252 đội văn nghệ tuyên truyền với 900 diễn viên tại các xóm, tổ khu dân cư. Trong đó có 180 đội văn nghệ xóm, tổ có diễn viên, hội viên là bà con dân tộc Mường nên nhiều làn điệu dân ca truyền thống đã được lưu giữ, truyền tụng như: Ru con, Mời trầu, Hát đối nữ, hát đập hoa, hát đố, hát trẻ con chơi…
Trình tấu chiêng Mường
Cùng với sự phát triển rộng khắp của phong trào văn hóa, văn nghệ. Các môn thể thao truyền thống của bà con dân tộc Mường như: Kéo có, đẩy gậy, ném còn, bắn nỏ đều được duy trì phát triển trong các dịp lễ, tết, lễ hội trong năm. Nhờ vậy, nhiều làn điệu dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian truyền thống của dân tộc Mường đã từng bước được khôi phục./.